18/10/2022
- Khí hậu mùa Đông - Lạnh buốt và khô
Nhắc đến mùa đông ta lại nhớ tới mùa lạnh lẽo và ẩm ướt. Có những hôm cái lạnh như cắt da, cắt thịt kèm thêm những trận mưa phùn khiến người ta không muốn ra ngoài đường. Nhiệt độ mùa đông hạ xuống thấp 15 độ C, ánh nắng mặt trời gần như không còn xuất hiện. Ở một số nơi vùng núi cao của nước ta như Sapa, mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ có thể hạ giảm dưới 10 độ C, có thời điểm Sapa xuất hiện tuyết rơi.
- Mùa đông, dương khí của trời đất suy yếu, vạn vật tàng ẩn lại, cây cối se sắt, nhiều loại động thực vật gần như trong trạng thái ngủ đông, chuẩn bị tinh thần cho mùa xuân năm tới phát triển. Trong mùa Đông, cơ thể của chúng ta phải giống như vạn vật tàng lại , như có ý tình riêng không muốn thổ lộ ra ngoài , như có vật báu mà giấu kín không để ai nhìn thấy. Như vậy, Dương khí sẽ tiềm tàng, bền vững.
- Mùa Đông, cảnh vật u ám, tiêu điều, dễ khiến cho tâm trạng người ta bị lâm vào trạng thái trầm uất, bi quan. Mùa đông cũng khiến cho khí huyết trong cơ thể của ta nê trệ gây ra tê bì tay chân , đau nhức khớp nhiều hơn.
Dinh Dưỡng cho mùa đông : “ bảo Âm tiềm Dương “ (bảo vệ khí Âm và cất giữ khí Dương). Các món ăn có tác dụng "bảo Âm tiềm Dương" là ba ba, rùa, mộc nhĩ, ngó sen, vừng, …
- Mùa Đông là thời lệnh của tạng Thận. Thận chủ về vị mặn, Tâm chủ về vị đắng, vị mặn thuộc hành Thủy, đắng thuộc hành Hỏa. Trong Ngũ Hành, Thủy khắc Hỏa, cho nên sách Dưỡng sinh xưa khuyên người ta nên hạn chế vị mặn và tăng cường vị đắng trong mùa Đông. Như vậy tạng Thận sẽ không bị vượng lên thái quá mà khắc phạt, làm hại tạng Tâm.
- Mùa Đông cần ăn nhiều thức ăn nóng ấm, giàu nhiệt lượng, để chống rét. Tuy nhiên không nên lạm dụng các chất cay nóng, như ớt, tỏi, hồ tiêu, ... Ăn quá nhiều chất cay nóng có thể làm cho Dương khí uất kết, tạo nên một thứ nhiệt tà ẩn náu bên trong cơ thể, sang mùa Xuân, Dương khí thăng phát dễ gây nên những chứng bệnh nhiệt. Trong mùa Đông cần tránh các thức ăn sống, lạnh, khó tiêu. Ăn nhiều các thứ cứng lạnh dễ làm tổn thương Dương khí, gây nên các chứng bệnh như "trung khí hạ hãm", ỉa chảy phân sống, chân tay cóng lạnh, …
Thiên "Dưỡng Sinh Luận" sách "Bão Phác Tử" đưa ra quy tắc: Mùa Đông sáng sớm không để bụng đói, mùa Hạ đêm chớ ăn no ("Đông triêu vật không tâm, Hạ dạ vật bão thực"). Trong mùa Đông, buổi sáng nên ăn bát cháo nóng, bữa chiều nên ăn ít. Ăn xong tốt nhất nên lấy tay xoa bụng và đi bách bộ.
Mùa Đông ăn cháo nấu với thịt dê có tác dụng ôn bổ Dương khí. Sáng sớm ngậm chút gừng nướng có tác dụng sinh vị khí và phòng gió độc.
Đối với người thiên về "Dương hư", nên ăn các món ấm nóng, như thịt dê, thịt gà, … Theo Đông y, đó là những thức ấm, có tác dụng ôn trung, ích khí, bổ tinh, điền tủy.
Đối với những người thiên về "Âm hư", nên ăn thịt vịt và thịt ngỗng, cũng như các món có tính "cam hàn" (ngọt lạnh), có tác dụng ích Âm dưỡng Vị, bổ Thận tiêu thũng, hóa đàm chỉ khái. Theo sách "Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ" thì thịt vịt bổ phần Âm của ngũ tạng, trừ hư nhiệt trong ngũ tạng, bổ huyết hành thủy, dưỡng vị sinh tân. Còn thịt ngỗng có tác dụng bổ hư ích khí, noãn vị (ấm vị) sinh tân, chỉ tiêu khát.
Đối với người không thích hợp ăn các loại đồ sống, đồ lạnh có thể ăn kỷ tử, táo đỏ, mộc nhĩ, vừng đen, v.v. Thuốc bổ cũng cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sỹ, mỗi người một cách điều trị riêng. Khi bồi bổ sức khỏe mùa đông cũng cần để dạ dày có quá trình thích ứng, cách tốt nhất là ăn món thịt bò ninh táo đỏ, lạc ninh đường đỏ, ngoài ra còn có thể nấu canh thịt bò với táo đỏ và gừng, giúp điều chỉnh chức năng của dạ dày.
Ngoài mặt dinh dưỡng ra chúng ta cũng chú ý đến hoạt động tinh thần và thể chất.
Mùa đông với cảnh vật u buồn cũng ảnh hưởng phần nào đến tinh thần của ta tạo cho ta cảm giác cô đơn , bi quan , trầm uất. Cách tốt nhất để cải thiện tâm tình là hoạt động. Mỗi người sẽ có một hình thức hoạt động phù hợp. Chơi các môn thể thao yêu thích , chạy bộ hay là ngồi trò chuyện ca hát với bạn bè. Những hoạt động đó sẽ giúp cho chúng ta thêm sinh khí và niềm vui trong những ngày Đông ảm đạm.
Ngủ sớm dậy muộn
Ngủ sớm có tác dụng dưỡng dương khí, dậy muộn giúp củng cố âm tinh cho cơ thể. Do đó, dưỡng sinh mùa đông cần đảm bảo có một giấc ngủ đầy đủ, điều này có lợi cho dự trữ năng lượng cần thiết cho cơ thể trong mùa đông. Ngoài ra, có một điều các bạn chớ quên, đó là bắt đầu “điều dưỡng” cơ thể ngay sau ngày Lập đông.
Hy vọng qua bài viết này có thể giúp ích được cho mọi người , để có thể chuẩn bị cho mùa đông đang tới.
**gytunhien