07/05/2020
⁉️ VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Mùa dịch COVID-19 rất nhiều người bệnh có triệu chứng sổ mũi, ho,...lo lắng mình bị COVID-19, tuy nhiên đó cũng có thể chỉ là những bệnh thường gặp. Hôm nay, Phòng khám xin nói về Viêm mũi dị ứng- 1 trong những bệnh rất hay gặp khi thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm.
1️⃣ Viêm mũi dị ứng: chiếm tới 10-30% tổng dân số thế giới, khí hậu khắc nghiệt và ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Sự mất cân bằng dị ứng, cùng với cơ địa nhạy cảm và tiếp xúc với dị nguyên, là các yếu tố quan trọng liên quan đến nguyên nhân và tỉ lệ mắc bệnh bệnh viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đỉnh cao là 20 - 30 tuổi, và giảm dần theo tuổi, người già ít gặp hơn. Ngoài ra, tiền căn gia đình có người bị dị ứng thì dễ mắc bệnh hơn; những người làm việc trong môi trường ô nhiễm, hoặc những nghề tiếp xúc nhiều với những chất gây dị ứng (dị nguyên) cũng dễ mắc bệnh hơn.
Các dị nguyên thường gặp là phấn hoa, nấm mốc, bụi nhà, con mạt nhà, lông thú (chó, mèo), gián, chuột bọ, khói thuốc, nước hoa,…
Viêm mũi dị ứng tuy không đe dọa đến tính mạng con người nhưng nó có thể kéo dài gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh thường kèm với những tình trạng bệnh lý dị ứng khác, như là suyễn, chàm, viêm kết mạc dị ứng,… Bệnh gây ảnh hưởng đến học tập, công việc, gây khó tiếp thu, rối loạn giấc ngủ và ể oải cho người bệnh. Nếu bệnh diễn tiến mạn tính có thể gây ra các biến chứng như: viêm tai giữa thanh dịch, viêm mũi-xoang cấp và viêm mũi-xoang mạn, polype mũi…
Viêm mũi dị ứng phân loại theo hiệp hội viêm mũi dị ứng quốc tế dựa vào khoảng thời gian tồn tại của bệnh, triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng sống, bao gồm:
- Viêm mũi dị ứng gián đoạn: với triệu chứng tồn tại < 4 ngày/tuần hoặc < 4 tuần/năm.
- Viêm mũi dị ứng dai dẳng với triệu chứng tồn tại ≥ 4 ngày/ tuần và ≥ 4 tuần/ năm.
Việc xác định nguyên nhân gây dị ứng rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi bác sĩ khai thác bệnh kỹ tìm tác nhân gây dị ứng, cơ địa nhạy cảm và yếu tố di truyền của người bệnh. Về mặt xét nghiệm bác sĩ có thể dựa thêm bạch cầu ái toan trong dịch mũi và trong máu, định lượng kháng thể IgE (kháng thể đóng vai trò chủ yếu trong các bệnh miễn dịch- dị ứng) trong huyết thanh. Hoặc test đặc hiệu hơn là các test da (lẩy da, rạch da, trong da) nhằm đánh giá sư nhạy cảm của cơ thể đối với các chiết xuất của 1 số dị nguyên đã được chuẩn hóa; hay các xét nghiệm tìm IgE đặc hiệu trong huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch enzyme hay miễn dịch phóng xạ.
2️⃣ Điều trị:
▶️ Thay đổi lối sống, kiểm soát môi trường, tránh tiếp xúc với dị nguyên. Tránh được dị nguyên là vấn đề tối ưu nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng. Nhưng trên thực tế điều này khó có thể thực hiện. Ngay cả ở những nước phát triển không khí có phần sạch hơn nhưng vẫn bị dị ứng từ phấn hoa, phấn của một số loài cây cỏ… Vì vậy tránh dị nguyên gần như là điều không thể, tuy nhiên vẫn phải hạn chế tối đa:
- Giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, thường xuyên giặt quần áo, chăn màn, không nuôi chó, mèo, thú cưng trong nhà
- Tránh tiếp xúc bụi, khói thuốc, khói xe, nước hoa,…
- Ra đường nên mang khẩu trang, về nhà nên tắm gội để loại bỏ dị nguyên, rửa mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Vào mùa có phấn hoa (thường mùa xuân) nên đóng kín cửa nhà, hạn chế ra ngoài. Tránh ăn hải sản, thức ăn quá cay, quá lạnh.
- Nên tập thể dục thường xuyên, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng cho cơ thể
▶️ Điều trị bằng thuốc: Những thuốc dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng cũng chỉ là tạm thời. Chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một thời gian ngắn trong và sau khi dùng thuốc. Không thể khỏi được bệnh trong một khoảng thời gian dài chứ chưa thể nói đến là khỏi hoàn toàn được bệnh. Các thuốc như thuốc chống sung huyết, thuốc kháng histamine, thuốc kháng viêm corticosteroid (thuốc dạng viên uống và xịt mũi) có hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. tuy nhiên các thuốc này không được dùng lâu dài và có nhiều tác dụng phụ nên cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị.
▶️ Điều trị miễn dịch: Giải mẫn cảm đặc hiệu cho hiệu quả cao, chỉ định khi dùng thuốc thất bại, nhưng có nguy cơ phản ứng toàn thân. Sau khi thử test da, xác định được dị nguyên, bệnh nhân sẽ được tiêm trong da dị nguyên đó với liều tăng dần làm cho cơ thể từ từ thích ứng và không còn phản ứng với chất đó nữa.
3️⃣ Phòng ngừa bệnh:
▶️ Tránh các yếu tố nguy cơ
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên như : bụi nhà, khói thuốc lá , lông mèo, lông chó, phấn hoa, .…
- Không nuôi thú trong nhà. Nếu có nuôi, cần tắm thú nuôi 2 lần/ tuần.
- Sử dụng hệ thống lọc khí tốt, vệ sinh máy điều hòa thường xuyên
- Phủ nệm, gối dùng loại không thấm nước; nếu không thì phải giặt mỗi 2 tuần/ lần với nhiệt độ khoảng 500C sẽ giết được mạt bụi nhà.
- Tăng cường vệ sinh nhà cửa, xe cộ trong mùa phấn hoa để hạn chế tiếp xúc.
- Loại bỏ phấn hoa trên da, tóc khi về nhà.
▶️ Cải thiện môi trường và lối sống
- Tránh các yếu tố ô nhiễm môi trường: khói bụi công nghiệp, hóa chất
- Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp.
- Chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi.
- Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh, tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá.
- Tránh stress, các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin.
- Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.
Như vậy, cách không để mắc bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc hoặc hít phải chất gây dị ứng. Có thể phát hiện chất gây dị ứng bằng cách tự bản thân bạn để ý và ghi nhận những khoảng thời gian, địa điểm hoặc tiếp xúc các chất lạ sau khi bị triệu chứng dị ứng. Một cách khác để nhận biết là làm xét nghiệm tìm dị ứng nguyên, tuy nhiên vì mức độ đa dạng của các chất gây dị ứng nên có thể bộ xét nghiệm này không đủ. Do đó, bạn cần hợp tác với bác sĩ và theo dõi xung quanh mình để tìm ra và phòng tránh nguyên nhân dị ứng.
❤️❤️❤️ Xin nhắc lại: Phòng khám bệnh Nhiệt đới Khoa nội tổng quát - Phòng khám khoa nội tổng hợp 2 hiện đang có chương trình tầm soát bệnh viêm gan và siêu âm Fibroscan miễm phí mỗi chủ nhật hàng tuần trong tháng 5/2020
Mọi chi tiết liên hệ Phòng khám Nhiệt đới - Bệnh viện Quận Thủ Đức
37 Dương Văn Cam, Linh Tây, Thủ Đức
Hotline : 028 22 44 41 47